Khí hậu 4 mùa ở Việt Nam tại các vùng miền như thế nào?
Khí hậu nước ta là khí hậu nhiệt đới gió mùa. Khí hậu 4 mùa ở Việt Nam có sự khác biệt rõ rệt do chịu ảnh hưởng của các khối khí chuyển động theo mùa: Gió mùa đông khô lạnh với gió mùa đông bắc, gió mùa hạ nóng ẩm với gió mùa tây nam.
Nội dung tóm tắt
1. Khái quát khí hậu Việt Nam
Vị trí địa lí Việt Nam là yếu tố quyết định đến sự khác biệt khí hậu giữa hai miền Nam Bắc, điểm cực Bắc gần chí tuyến (23 độ 23′ B), điểm cực Nam nằm cách Xích đạo không xa (8 độ 34′ B). Vì Miền Bắc nằm ở vĩ độ cao hơn miền Nam nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc, trong khi đó gió mùa Đông Bắc càng vào Nam càng suy yếu.
Xem thêm: Khí hậu miền Bắc nước ta có đặc điểm gì?
Sự khác biệt nằm ở chỗ miền Bắc có khí hậu cận nhiệt đới ẩm và có đủ bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu và Đông, Miền Trung và Nam Trung bộ là khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ mang đặc điểm nhiệt đới xavan. Miền Nam thường có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô.
Khí hậu cận nhiệt đới ẩm là một kiểu khí hậu đặc trưng bởi mùa hè nóng và ẩm, mùa đông mát và khá lạnh.
Khí hậu nhiệt đới xavan có nhiệt độ trung bình tất cả các tháng trong năm trên 18°C và thường có một mùa khô rõ rệt.
2. Khí hậu 4 mùa ở Việt Nam tại các vùng miền
2.1 Khí hậu phía Bắc
Bao gồm phần lãnh thổ phía Bắc dãy Hoành Sơn. Miền này có khí hậu cận nhiệt đới ẩm. Tuy nhiên, miền khí hậu này có đặc điểm là mất ổn định vời thời gian bắt đầu-kết thúc các mùa và về nhiệt độ.
Vùng Đông Bắc: gồm đồng bằng Bắc Bộ và vùng đồi núi tả ngạn sông Hồng. Khu vực này có đồi núi thấp dưới 1000 m. Các dãy núi hình cánh cung vòng hướng Đông Bắc chụm lại hướng về phía dãy núi Tam Đảo (đó là cánh cung Đông Triều, Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm không ngăn cản mà lại tạo thành các sườn dẫn gió mùa Đông Bắc và gió Bắc thường thổi về mùa đông.
Vùng này tiếp giáp với vịnh Bắc bộ về phía Đông, phía Tây được chắn bởi dãy Hoàng Liên Sơn cao nhất Việt Nam (> 3001 m), nên chịu ảnh hưởng của khí hậu gió mùa ẩm nhiều hơn vùng Tây Bắc. Vì vậy mà vùng Đông Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhiệt đới, về mùa hè, ít chịu ảnh hưởng của gió Lào.
Click ngay: Tìm hiểu về 5 đới khí hậu trên Trái Đất và đặc điểm của từng loại khí hậu
Vùng Tây Bắc Bắc Bộ: gồm vùng núi từ hữu ngạn sông Hồng đến dãy Hoành Sơn. Dãy núi cao Hoàng Liên Sơn chạy dài liền một khối theo hướng Tây Bắc – Đông Nam đóng vai trò của một bức trường thành ngăn làm cho gió mùa Đông Bắc lạnh giá khi đến đây bị suy yếu. Vì vậy, trừ khi do ảnh hưởng của độ cao, nền khí hậụ Tây Bắc nói chung ấm hơn Đông Bắc, chênh lệch có thể đến 2-3 °C. Ở miền núi, hướng phơi của sườn đóng một vai trò quan trọng trong chế độ nhiệt – ẩm, sườn đón gió (sườn đông) tiếp nhận những lượng mưa lớn trong khi sườn tây tạo điều kiện cho gió Lào được hình thành khi thổi xuống các thung lũng.
Nhìn chung, trong điều kiện của trung du và miền núi, việc nghiên cứu khí hậu là rất quan trọng vì sự biến dạng của khí hậu xảy ra trên từng khu vực nhỏ. Những biến cố khí hậu ở miền núi mang tính chất cực đoan, nhất là trong điều kiện lớp phủ rừng bị suy giảm, và lớp phủ thổ nhưỡng bị thoái hoá. Mưa lớn và tập trung gây ra lũ nhưng kết hợp với một số điều kiện thì xuất hiện lũ quét; hạn vào mùa khô thường xảy ra nhưng có khi hạn hán kéo dài ngoài sức chịu đựng của cây cối.
2.2 Khí hậu Trường sơn
Bao gồm phần lãnh thổ phía Đông dãy Trường Sơn, kéo dài từ phía Nam dãy Hoành Sơn tới Mũi Dinh. Miền này mang đậm tính chất của khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Vùng Bắc đèo Hải Vân: có mùa đông ít hơn miền khí hậu phía Bắc và mùa hè chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió Lào (gió Tây khô nóng). Về mùa đông, do hình thế vùng này chạy dọc bờ Biển Đông theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, đón trực diện với hướng gió mùa chủ đạo thổi trong mùa này là gió mùa Đông Bắc.
Lại bị hệ dãy núi Trường Sơn tương đối cao ở phía Tây và phía Nam (tại đèo Hải Vân trên dãy Bạch Mã) chắn ở cuối hướng gió mùa Đông Bắc. Nên vì vậy vùng này vẫn bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh do gió mùa Đông Bắc mang đến và thường kèm theo mưa nhiều (đặc biệt là tại Thừa Thiên Huế) do gió mùa thổi theo đúng hướng Đông Bắc mang theo hơi nước từ biển vào, hơi khác biệt với thời tiết khô hanh của miền Bắc cùng trong mùa đông.
Gió mùa Đông Bắc thổi đến đây thường bị suy yếu và bị chặn lại bởi dãy Bạch Mã ít ảnh hưởng tới các vùng phía Nam. Về mùa Hè, khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh thổi từ vịnh Bengal qua vùng lục địa rộng lớn đến dãy Trường Sơn thì bị trút hết mưa xuống sườn Tây Trường Sơn nhưng vẫn tiếp tục vượt qua dãy núi để thổi sang vùng này. Lúc này do không còn hơi nước nên gió mùa Tây Nam gây ra thời tiết khô nóng (có khi tới > 40 °C, độ ẩm chỉ còn 50 ÷ 60), gió này gọi là gió Lào.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: từ Đà Nẵng tới Ninh Thuận là vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ phía Nam đèo Hải Vân tương tự như phía bắc đèo Hải vân, tuy nhiên nhiệt độ có cao hơn và thỉnh thoảng có những đợt lạnh mùa đông tuy không dài, ảnh hưởng của gió Tây khô nóng không lớn như ở Bắc Trung Bộ, có mùa khô sâu sắc hơn.
Điều thú vị của miền khí hậu này là mùa mưa và mùa khô không cùng lúc với mùa mưa và khô của hai miến khí hậu còn lại. Mùa hè, trong khi cả nước có lượng mưa lớn nhất, thì miền khí hậu này lại đang ở thời kỳ khô nhất.
2.3 Khí hậu phía Nam
Bao gồm phần lãnh thổ thuộc Tây Nguyên và Nam Bộ. Miền này có khí hậu nhiệt đới xavan với hai mùa: mùa khô và mùa mưa (từ tháng 4 – 5 đến tháng 10 – 11). Quanh năm, nhiệt độ của miền này cao, biên nhiệt độ nhỏ hơn đáng kể so với khu vực Bắc Bạch Mã. Nơi đây có một mùa khô kéo dài, đặc biệt sâu sắc. Khí hậu miền này ít biến động nhiều trong năm.
Vùng duyên hải cực Nam Trung Bộ (Bình Thuận)
Vùng cao nguyên Nam Trung Bộ (Tây Nguyên)
Vùng đồng bằng Nam Bộ
2.4 Khí hậu Biển Đông
Biển Đông Việt Nam mang đặc tính nhiệt đới mùa hải dương và tương đối đồng nhất. Tại đây thường xuyên có xoáy lốc đi từ Thái Bình Dương vào, tạo thành các cơn bão lớn. Do ở Bắc Bán cầu, nên bão và áp thấp nhiệt đới vào Việt Nam xoáy ngược chiều kim đồng hồ.
Trên đây là đặc điểm khí hậu 4 mùa ở Việt Nam tại các vùng miền. Hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc.