Để trở thành MC chuyên nghiệp cần có những kỹ năng gì?
MC là người dẫn chương trình, là người truyền đạt dẫn dắt chương trình. Vì thế họ cần phải có những kỹ năng và tố chất riêng. Vậy để trở thành MC chuyên nghiệp bạn cần phải là người như thế nào?
Vốn kiến thức sâu rộng
Người dẫn chương trình cần có vốn kiến thức rộng, hiểu biết trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế, Chính trị, Văn hóa, Xã hội, giải trí… Kiến thức không chỉ cần rộng mà còn phải sâu, tức là người MC phải có khả năng phân tích thông tin, đưa ra quan điểm đúng đắn, nắm bắt được nhiều sự kiện, thông tin mới, đặc biệt là những thông tin liên quan tới nội dung chương trình. Nếu kiến thức của MC không vững sẽ rất dễ nói sai, hiểu sai vấn đề, từ đó dẫn dắt chương trình lạc sang một hướng khác.
Giọng nói tốt
MC là người dẫn dắt một chương trình, truyền đạt thông tin đến người nghe, người xem qua yếu tố chính là giọng nói. Vì thế, giọng nói của người dẫn phải thực sự cuốn hút, có sức truyền cảm, không nói lắp, nói ngọng, nói giọng địa phương. Giọng nói không được cường điệu mà phải tạo sự tự nhiên, gần gũi, làm không khí chương trình trở nên thân mật. Không những vậy, giọng nói của MC còn ảnh hưởng tới sức nặng của thông tin được truyền tải trong chương trình. Nếu MC có một chất giọng hay, nói một cách khéo léo, trôi chảy, thông tin cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Ngoại hình ưa nhìn
Khi bước ra sân khấu, điều đầu tiên mà khán giả tiếp xúc không phải là kiến thức, giọng nói mà là ngoại hình của người dẫn chương trình. Đôi khi ngoại hình của người dẫn có tác động rất lớn tới sự thành công của chương trình. Bởi MC chính là người đại diện cho cả một ekip, đứng trên sân khấu và trở thành cầu nối giữa khán giả với chương trình. Gương mặt MC cần tạo được sự thiện cảm, gần gũi; phong thái, trang phục MC phải phù hợp nội dung chương trình. Tùy vào từng nội dung mà MC sẽ chọn trang phục hiện đại hay truyền thống, thể hiện sự trẻ trung, tinh nghịch hay đứng đắn, trang nghiêm.
Sự linh hoạt, nhạy bén
Trong mỗi chương trình, kể cả những chương trình đã được đầu tư, dàn dựng rất kĩ lưỡng cũng không thể tránh khỏi những vấn đề phát sinh, những trục trặc hay sự cố khi chương trình ấy diễn ra. Trong những lúc như vậy, thì MC chính là người đứng ra “ chữa cháy”, để cho chương trình được thông suốt, liền mạch, phù hợp về thời gian và nội dung. MC cần linh hoạt đối phó với các tình huống diễn ra, luôn giữ được phong thái bình tĩnh, tự tin ngay cả khi gặp sự cố. Bởi nếu MC bối rối trước những tình huống phát sinh nằm ngoài kịch bản, chương trình đó rất dễ bị đứt quãng, tạo sự khó chịu cho người xem.
Khả năng điều khiển cảm xúc
Bạn Gia Hân sinh viên Cao đẳng Y Dược TPHCM chia sẻ: Mỗi khi ở trường có sự kiện gì em đều đảm nhận vai trò MC, nhưng là một người không được đào tạo qua trường, lớp nên em vẫn có nhiều thiếu xót về khả năng tiết chế cảm xúc của mình.
Vì thế, MC cần linh hoạt trong cách thể hiện, lúc tâm tình thủ thỉ, lúc mạnh mẽ hào hùng. Như vậy, chương trình sẽ có sự đa dạng, đem lại cho người xem nhiều dư vị khó quên. Thực sự , “người dẫn chương trình phải là bậc thầy của việc điều khiển cảm xúc”.